-
  • :
|
Chào mừng đã đến với Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng chỉ đạo 4 vấn đề giáo dục và đào tạo

Chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực. Tại đây, Thủ tướng đã chỉ đạo 4 vấn đề về giáo dục và đào tạo bao gồm: Phát triển đội ngũ giáo viên; xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tự chủ đại học; sửa đổi quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại một số thành tích nổi bật của ngành GD&ĐT thời gian qua như việc Ngân hàng thế giới công bố báo cáo đánh giá Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới hay việc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố tại kỳ đánh giá 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên 70 nước về khoa học, đứng thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu.


Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo
và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một dân tộc hiếu học, đó là điều đáng mừng và thuận lợi cho đất nước. Qua những cuộc thi suốt nhiều năm liền, có thể thấy học sinh Việt Nam thông minh, chịu khó, có nhiều thành tích, đặc biệt trên các cuộc thi quốc tế. Đây là vốn quý cần khơi dậy.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế rất cần thiết nhưng cuối cùng phục vụ người dân là giáo dục và y tế, vì liên quan đến mọi người, mọi nhà, là nền tảng quan trọng của sự phát triển đất nước.

“Chúng ta xây dựng những thế hệ công dân toàn cầu nhưng mang văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Vấn đề giáo dục người lớn, tinh thần học tập suốt đời là vô cùng quan trọng, để chống sự trì trệ của đất nước, chống lại sự kém sáng tạo trong công việc. Vì vậy, phương pháp dạy và học cần thay đổi, nội dung học quan trọng nhưng phương pháp, kĩ năng học và xử lý thông tin quan trọng hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.  

Về vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, Thủ tướng khẳng định, đây là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo, vì vậy cần được chú trọng, quan tâm hơn. Cần đẩy nhanh quy hoạch lại các cơ sở đào tạo giáo viên, đây là “máy cái” và nếu “máy cái” chưa được chú trọng thì chất lượng giáo dục khó đi lên; chú trọng đầu vào sư phạm, chất lượng đào tạo, chế độ cho giáo viên; đẩy mạnh truyền thông tôn vinh người thầy, truyền thống tôn sư trọng đạo. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp

Thủ tướng cũng đề cập tới sự cần thiết của đào tạo, bồi dưỡng giáo viên định kỳ, tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp thu cái mới, phát triển năng lực.

Cho rằng khởi nghiệp là vấn đề quan trọng, Thủ tướng đề nghị cần sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường đại học vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp trong đại học là nhiệm vụ quan trọng để hướng tới một xã hội khởi nghiệp.

Về sửa đổi quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng lưu ý, cần chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về tiêu chí, chất lượng các tiêu chí; chất lượng cả ứng viên và chất lượng thành viên hội đồng phải cao hơn. Bên cạnh đó, tăng cường minh bạch, công khai, xu hướng là tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn với hội nhập quốc tế.

Đánh giá tự chủ đại học là một chủ trương tốt, tuy nhiên theo Thủ tướng bước đi, cách làm cần hết sức chặt chẽ. Giáo dục là lo cho toàn dân nên phải có bước đi tốt để không gây ra sự rối loạn, nhảy từ thái cực này sang thái cực kia.

Thủ tướng đề nghị, Bộ GDĐT tổng hợp nghiên cứu để có cách chỉ đạo thống nhất trên tinh thần hướng đến cách tiếp cận mới về tự chủ đại học với cách làm phù hợp với Việt Nam, trong đó bao gồm tự chủ về học thuật, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính. Thủ tướng nêu rõ, tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa mà đơn cử là trường có quyền quyết định mức lương trả cho giảng viên khi mời họ về giảng dạy…

Về chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT, các địa phương trong quá trình triển khai các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 6/2018.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

 


Nguồn:http://www.moet.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Bản đồ
Thống kê
Hôm nay : 518
Hôm qua : 1.543
Tháng 04 : 15.537
Tháng trước : 63.894
Năm 2024 : 1.034.897
Năm trước : 4.388.710
Tổng số : 36.805.966