-
  • :
|
Chào mừng đã đến với Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình yêu quê hương không phải chỉ bằng lời nói!

Trong lần mới đây, khi làm giám khảo cuộc thi “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai” do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cô học trò Nguyễn Thị Tâm (lớp 11A1, Trường THPT Trường Chinh) đã làm cho tôi hết sức bất ngờ, sau giây phút bất ngờ là cảm xúc hết sức mạnh mẽ trào dâng trong tất cả những ai có mặt hôm ấy. Không như những bạn khác nói về những ước mơ và hoạch định cho tương lai của mình, lại đi trình bày một dự án vì đời sống cộng đồng mà em là một thành viên trong nhóm tác giả.

Từ “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) đến dự án

          Ý tưởng về dự án “Gian bán hàng miễn phí dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số” của cô giáo Đinh Thị Phương Chi (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trường Chinh) được hình thành hết sức ngẫu nhiên và từ khi hình thành ý tưởng đến bắt tay thực hiện và hoàn thành cũng hết sức nhanh chóng. Từ một câu hỏi không chỉ là hỏi về kiến thức bài học của cô Chi khi dạy học tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam: “Tác giả đã làm gì để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực hay cũng bởi đang bế tắc trong cuộc sống nên tác giả chỉ dừng lại được ở việc xót thương những nhân vật của mình?”, từ bài tập về nhà: “Các em hãy ghi lại hình ảnh về những mảnh đời cơ cực quanh mình, hãy nói lên xúc cảm của mình về những thân phận đó”.

          Kết quả là không lâu sau, trong tiết học Ngữ văn tiếp đó, nước mắt của cả cô và trò đã rơi trước những hình ảnh hết sức chân thực và những bài viết, những lời thuyết trình xuất phát tự đáy lòng của các em học sinh. Ấn tượng sâu sắc nhất là một số hình ảnh về những người dân tộc thiểu số bán hàng rong nép mình vào hai bên đường vào chợ, co ro nhớp nháp trong mưa, ánh mắt lấm lét sợ sệt khi trật tự đô thị đi dọn dẹp lòng lề đường. Tất cả chỉ vì họ không có một chỗ ngồi bán hàng cố định để người mua tìm đến. Và còn hơn thế nữa, sau lưng họ là một gia đình với những đứa trẻ cũng không khác gì hình ảnh hai đứa trẻ mà các em được biết qua tác phẩm của Thạch Lam đang chờ mẹ đi chợ về với hy vọng bữa ăn hôm nay sẽ “ngon” hơn nhờ mớ rau mà mẹ mang ra chợ từ sáng sớm.     

          Từ những hình ảnh mà các em chụp được, từ những cảm xúc các em có được khi lang thang thang vào những ngõ ngách của cuộc sống xung quanh để thực hiện bài tập cô giáo giao về nhà thực hiện, từ ý nghĩ phải làm một cái gì đó dù là nhỏ nhưng có ý nghĩa của chính các em học sinh, cô và trò đã hình thành ý tưởng và quyết tâm thực hiện cho bằng được dự án xây dựng một dãy lều làm gian bán hàng trong một góc chợ tổ dân phố 1 (thị trấn Chư Sê) cho những người đồng bào dân tộc thiểu số có được chỗ ngồi yên ổn     để bán những mớ rau, gùi củ quả từ vườn nhà của họ.

          Khi trình bày ý tưởng, nhóm tác giả đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huệ và đông đảo các thầy cô giáo cũng như các em học sinh khác. Từ một nhóm học sinh ban đầu, đến khi bắt tay vào thực hiện đã có sự tham gia của khoảng 30 em, ngoài ra còn rất nhiều em khác ủng hộ và sẵn sàng tham gia khi được cô Chi cho “gia nhập”.

          Khi triển khai dự án, điều làm cho cô và trò phấn khởi, tự tin nhất là đã gặp được không ít người có lòng hảo tâm và nhiệt huyết góp phần vì đời sống cộng đồng: Chính quyền địa phương và quản lý chợ đồng tình cho việc xây dựng lều chợ; không ít học sinh, không ít người dân sẵn sàng mua những món đồ nhỏ như phong bì đựng tiền lì xì tết, những chai tinh dầu sả… để các em dùng khoản tiền lời vào việc thực hiện dự án; người có điều kiện thì cho tole, người cho ngày công… Trong số những người đó, không thể không nhắc đến anh Võ Xuân Hải (ngụ ở 40 Quang Trung, thị trấn Chư Sê), khi nghe cô và trò trình bày về ý tưởng, mục đích dự án, anh đã không một chút ngập ngừng suy nghĩ, hiến 60m2 đất trống trong chợ để xây dựng lều làm gian bán hàng, hiểu được sự khó khăn và thiếu thốn của cô và trò, anh còn cho thêm một xe đá để làm nền bê tông. Nói với tôi, anh Hải cũng rất xúc động và tin tưởng: “Dự án của cô trò quá ý nghĩa, tôi thấy thương những người dân tộc thiểu số bán hàng rong! Tôi ủng hộ vì tôi tin cô Chi và học trò sẽ thành công với dự án này!”. 

          Những bài học làm người hình thành từ sự trải nghiệm

Em Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 11A1 đã nói lên cảm nghĩ của mình với chúng tôi: “Tham gia dự án, điều em tâm đắc nhất là em đã học được từ thực tiễn những bài học quý giá, những bài học tình yêu từ những tấm lòng nhân ái, những bài học nhẫn nại và thuyết phục, kể cả bài học phải biết chấp nhận những điều không như mình mong đợi”. Tôi nghĩ rằng chắc bố mẹ của các em cũng sẽ hết sức vui mừng khi con em mình trong quá trình lang thang vào những ngõ ngách cuộc sống xung quanh để thực hiện bài tập về nhà môn Ngữ văn, các em còn nhận ra rằng: “So với nhiều người khác, cuộc sống của mình quá đủ đầy mà đôi khi mình còn đòi hỏi quá đáng từ bố mẹ”.

          Sau gần 1 tháng, số tiền mà cô và trò tích cóp được từ kêu gọi hỗ trợ, từ bán hàng được gần 10 triệu đồng, cô Chi và học trò bắt tay ngay vào việc xây dựng. Những em học sinh có sức khỏe thì đẩy hồ, dựng trụ cùng các bác thợ. Các bạn nữ thì lo nước nôi, quét dọn. Một góc chợ với dãy lều được dựng bằng trụ sắt, mái tole, nền bê tông cao ráo, sạch sẽ đã hình thành. Những cánh tay tuy chưa thể đủ rắn rỏi khi trộn bê tông, lúc đẩy xe đất, lúc dựng cột sắt…, nhưng hình ảnh những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ướt đẫm tấm lưng của những cô cậu học trò “trói gà không chặt” giữa ngôi chợ ở một vùng thị trấn nhỏ có lẽ là những hình ảnh lạ lẫm, nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ và ấn tượng đối với bà con tiểu thương nơi đây. Cũng chỉ ít ngày nữa thôi, hình ảnh về những người dân tộc thiểu số bán hàng rong gây ách tắc giao thông hai bên đường vào chợ sẽ dần biến mất, thay vào đó là những gian hàng tươm tất với mớ rau củ, nụ cười trên môi của chị bán hàng trong dãy lều ấm áp tình người.

          Trong thời buổi hiện tại, khi mà đời sống kinh tế thị trường đã làm cho rất nhiều người quay quắt trong việc kiếm tiền, khi mà cái thực dụng đã làm cho không ít người đến lạnh lùng và vô cảm, thì tấm chân tình và hành động của cô và trò – nhóm tác giả dự án tuy không dám mong đem lại một cái gì to tát cho đời, nhưng cũng đủ ấm tình người. Và cũng vì vậy nên tôi yêu và rất đỗi tự hào về đồng nghiệp tôi, về thế hệ học trò hôm nay!

Bài, ảnh: Tô Toàn Khanh – Phòng CTTT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Bản đồ
Thống kê
Hôm nay : 536
Hôm qua : 1.543
Tháng 04 : 15.555
Tháng trước : 63.894
Năm 2024 : 1.034.915
Năm trước : 4.388.710
Tổng số : 36.805.984